Phân của bé như thế nào là bình thường?

phan-cua-tre-the-nao-la-binh-thuong

phan-cua-tre-the-nao-la-binh-thuong

Mỗi trẻ sinh ra đều được gắn với 1 cẩm nang chăm sóc khác nhau, nên không ít lần các mẹ lúng túng hoặc lo lắng với tất cả triệu chứng không bình thưởng xảy ra ở bé. Một trong những điều đáng quan tâm là sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ, với số lần, màu sắc và hình dạng phân của trẻ thường liên quan đến độ tuổi và thức ăn hằng ngày.

Hãy tìm hiểu xem phân của bé như thế nào là bình thường?

Phân bình thường:

Sau khi sinh, mấy ngày đầu phân của trẻ được gọi là phân su. Đặc điểm của phân su là không có mùi, dính, màu xanh đen. Thường ba ngày sau khi sinh sẽ hết.

Sau khi hết phân su, phân của bé bú mẹ thường có màu vàng đậm, mềm như kem, mùi chua, mỗi ngày đi từ 3 – 4 lần.

Phân của bé bú bình có màu vàng nhạt hoặc màu xám đất, giống như kem cứng, hơi có mùi thối, mỗi ngày đi từ 1 – 2 lần.

Những bé bú mẹ không đủ phải bú thêm sữa ngoài, cơ bản phân giống với những bé nuôi bộ hoàn toàn. Nếu ăn thêm sữa ngoài, phân thường mềm, lượng nhiều, màu xám đậm, có mùi thối. Nếu ăn thêm rau xay nhuyễn, phân của bé có thể có màu của rau. Đây là hiện tượng bình thường.

Phân bất thường:

Tình trạng hình thái phân của trẻ bị táo bón?

Nếu bạn chú ý và thấy chất thải của bé có dạng rắn, khô hoặc tựa như đá cuội nhỏ thì bạn nên liên hệ với bác sĩ, vì đây là dấu hiệu cho thấy trẻ bị mất nước dẫn đến bị táo bón. Những dấu hiệu mất nước khác bao gồm: ít dịch nước miếng, mắt trũng và mỏ ác trẻ hơi lõm,… mỏ ác là khoảng cách giữa hai xương trên chóp sọ của trẻ sơ sinh, sẽ mất dần khi trẻ đến 2 tuổi.

Những trẻ không bú mẹ thường dễ bị tao bón hơn trẻ bú mẹ. Nếu trẻ bú mẹ và không đi tiêu trong suốt 1 tuần, kèm theo việc nhận thấy trẻ có cảm giác đau khi đi tiêu thì nên gọi bác sĩ của mình. Nếu là trẻ không bú mẹ, sau 3, 4 ngày trong tuần không đi tiêu thì cũng nên đưa bé đến bác sĩ.

Đôi khi bạn sẽ thấy trẻ nhăn nhó, mặt đỏ gay, mếu máo và thậm chí là khóc khi đi cầu rồi cho rằng trẻ bị táo bón thì thường là không đúng, vì trẻ sơ sinh vẫn chưa thể biết cách nào để co bóp hệ cơ bụng và đẩy phân ra hoặc chưa biết cách kết hợp chúng lại cho thật nhuần nhuyễn. Thêm vào đó, trẻ không có sự trợ giúp nào từ trọng lực như khi đi cầu ở tư thế ngồi của chúng ta.

Cách nào nhận biết trẻ bị tiêu chảy?

Ngược lại trường hợp bị táo bón, bẩm sinh phân trẻ nhũ nhi luôn ở dạng lỏng, mềm nên rất khó để các bậc phụ huynh nhận biết khi nào là trẻ thực sự bị tiêu chảy. Việc chăm chăm vào chất thải để xem bé có bị tiêu chảy không thật sự là không hữu ích và đôi khi càng khiến cha mẹ hoang mang, lúng túng tốn thời gian. Triệu chứng khi bé thực sự bị tiêu chảy xuất hiện rất rõ ràng như: sốt, lả người, đi phân 1 lần rất nhiều có khi bị tràn ngược ra lưng khi bé nằm và sẽ có kèm dấu hiệu tiểu ít, niêm mạc miệng khô, chứng tỏ trẻ đã có sự mất nước, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay, đặc biệt nếu trong phân có lẫn sắc đỏ vì đây có thể là máu.

Màu sắc nói lên điều gì?

Phân trẻ nhũ nhi đổi màu là một nỗi lo triền miên của cha mẹ, một lần nữa, phần lớn việc lo lắng này là không cần thiết. Màu sắc không liên quan đến bất cứ điều gì ngoại trừ thời gian lưu chuyển thức ăn ( đối với hệ thống cơ quan của trẻ) và sự xuất hiện của mật trong hệ thống dạ dày – ruột.

Màu vàng có nghĩa là sữa đã di chuyển nhanh qua hệ thống tiêu hóa của trẻ, khi quá trình này chậm lại, chất thải này trở thành màu xanh lá – đây có thể là sự lo lắng không cần thiết của cha mẹ và nếu đi chậm hơn nó sẽ chuyển sang màu nâu. Nếu chất thải màu xanh lá cây – tựa dịch nhầy kèm theo đó là trẻ có triệu chứng tiêu chảy, sốt, cáu kỉnh thì bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ.

Những màu sắc chính mà phụ huynh nên lưu tâm và nên đưa trẻ đi khám là: đen và đỏ. Chất thải màu đen là dấu hiệu có máu và đã được tiêu hóa ở hệ thống dạ dày – ruột, và màu đỏ báo hiệu máu tươi mà có thể đến từ ruột kết hoặc trực tràng. Tuy nhiên, đôi khi vú mẹ bị nứt da chảy máu và trong quá trình bú mẹ trẻ đã nuốt phải một lượng máu qua vết nứt này, nên chúng xuất hiện luôn trong chất thải của trẻ. Thông thường, các bác sĩ có thể thực hiện một kiểm tra đơn giản để biết máu đó là từ đâu và của ai.

Đừng quan sát và vội đánh giá mà chỉ dựa trên một triệu chứng duy nhất. Hãy quan sát trẻ, nếu bé vẫn vui đùa linh hoạt, ăn uống và lên cân như bình thường thì phụ huynh có thể yên tâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *