Cùng ở trong một môi trường nhưng có người lại liên tục bị muỗi đốt, có người thì lại không? Tại sao vậy? Liệu có phải do máu “thơm”?
Bị muỗi đốt không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người nếu gặp phải loại muỗi mang cho nó dịch bệnh, muỗi mang nhiều vi khuẩn và dịch bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết… đặc biệt là tác nhân gây lây lan virus zika gây teo não gây hoang mang dư luận trong thời gian gần đây.
Vậy tại sao cùng trong một đám đông, nhưng nhiều người không hề bị muỗi đốt, hoặc bị đốt rất ít, còn nhiều người thì liên tục bị loài côn trùng này viếng thăm gây ngứa ngáy khó chịu?
Chia sẻ về việc nhóm máu nào khiến muỗi thường xuyên đốt một người hơn những người khác, bác sĩ Bùi Hồng Hải – từng công tác tại viện 108 cho biết, việc người liên tục bị muỗi đốt, người thì không cũng do nhiều yếu tố như di truyền, mùi hương cơ thể… nữa.
Theo lời bác sĩ Hải, yếu tố di truyền ở đây tức là nhóm máu và cấu tạo chất trong cơ thể. Những người có nhóm máu O đối mặt với nguy cơ bị muỗi đốt cao nhất, tiếp theo là những người sở hữu nhóm B. Còn những người sở hữu nhóm máu A ít bị muỗi “viếng thăm” nhất.
Tuy nhiên, có nhiều người thắc mắc rằng, họ cùng nhóm máu và trong cùng một môi trường giống nhau, nhưng người thì ít bị muỗi đốt, người thì liên tục bị loài côn trùng này tấn công. Lý do là mùi cơ thể của mỗi người.
Cơ thể một số người có thể tỏa ra một hoạt chất hấp dẫn muỗi, khiến “ngồi đâu là muỗi bâu đấy”, trong khi nhiều người khác lại có mùi khiến côn trùng phải tránh xa.
Theo như các nhà khoa học, một trong số các chất này phải kể đến estrogen, đây cũng là lý do vì sao phụ nữ thường bị muỗi đốt nhiều hơn nam giới.
Ngoài ra, muỗi còn bị thu hút bởi những hóa chất giải phóng tự nhiên qua hơi thở của người như khí carbon dioxide (CO2). Vì vậy, những người thở ra nhiều khí carbon dioxide (thường là những người cao to), dễ thu hút loài côn trùng này tấn công nhiều hơn.
Muỗi là tác nhân gây truyền nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm cho cộng động như sốt rét, sốt xuất huyết và virus zika… đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, phụ nữ có thai…
Vì vậy, để hạn chế bị muỗi đốt, Bộ Y tế khuyến cáo:
– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
– Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Thường xuyên phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
>> Triệu chứng sốt xuất huyết và cách phòng chống hiệu quả
>> Triệu chứng và cách phát hiện khi bị nhiễm virus Zika