Bệnh màng não cầu (viêm màng não mô cầu) gây bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là khuẩn màng não cầu). Vi khuẩn này được chia thành 13 nhóm huyết thanh ký hiệu bằng các chữ trong bảng chữ cái như A, B và C.
>> Bệnh bạch hầu khá nguy hiểm, đang là nỗi lo
>> Bệnh đầu nhỏ do virus Zika muỗi truyền là gì?
>> Cách chữa bị nhiệt miệng (lở miệng) đơn giản và rất hiệu quả
Một số người có vi khuẩn sống tự nhiên trong mũi và họng. Ở một số ít người, chủng vi khuẩn nguy hiểm này có thể thâm nhập qua lớp niêm mạc họng, gây ra bệnh não mô cầu xâm lấn, có thể dưới hình thức nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não. Nhiễm trùng có thể phát triển nhanh chóng, gây bệnh nặng hoặc tử vong. Chẩn đoán sớm và điều trị bằng thuốc kháng sinh là yếu tố mang tính sống còn.
Nguyên nhân của bệnh viêm màng não mô cầu
Khuẩn màng não cầu khó lây. Chúng chỉ truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần kéo dài và thường xuyên trong gia đình hoặc tiếp xúc thân mật bởi dịch tiết nhiễm khuẩn từ mũi và họng. Một số nghiên cứu cho thấy tiếp xúc qua nước bọt mức độ thấp khó có khả năng truyền vi khuẩn màng não cầu. Trong thực tế, nước bọt đã được chứng minh là làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.
Khuẩn màng não cầu chỉ thấy ở người và không thể sống quá vài giây bên ngoài cơ thể. Bạn không thể bị lây bệnh màng não cầu từ môi trường và động vật. Không thể nhiễm vi khuẩn này từ nguồn nước, bể bơi, các tòa nhà hoặc nhà máy.
Bệnh viêm màng não mô cầu có thể xảy ra quanh năm, nhưng nó phổ biến hơn vào mùa đông và đầu mùa xuân.
Mặc dù ít gặp, nhưng đây là một bệnh nặng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những nhóm có nguy cơ cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trẻ tuổi từ 15 đến 24 tuổi.
Triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu
Khuẩn màng não cầu có thể phát triển thành bệnh màng não cầu xâm lấn và gây ra một loạt các triệu chứng. Nếu thấy có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Các triệu chứng viêm màng não mô cầu ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ
Các triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn ở trẻ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ có thể bao gồm: Sốt, bỏ bú, quấy khóc, vật vã, rên, cực kỳ mệt mỏi, không thích bế ẵm, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, tránh ánh sáng (sợ ánh sáng), lơ mơ, co giật, phát ban thành những chấm đỏ hoặc tím hoặc đám bầm tím lớn.
Triệu chứng viêm màng não mô cầu ở trẻ lớn và người lớn
Triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu xâm lấn ở trẻ lớn và người lớn có thể gồm: Sốt, đau đầu, chán ăn, cứng gáy, khó chịu khi nhìn vào ánh sáng (sợ ánh sáng), buồn nôn và/hoặc nôn, tiêu chảy, đau hoặc nhức cơ, khớp đau hoặc sưng, khó đi lại, cảm giác không khỏe, rên, nói lảm nhảm, lơ mơ, lú lẫn, bất tỉnh, phát ban là những chấm màu đỏ hoặc tím hoặc vết bầm tím lớn.
Biến chứng của viêm màng não mô cầu:
Người mắc bệnh viêm màng não mô cầu có thể bị những tình trạng sau:
• Viêm màng não (Dấu hiệu bao gồm sốt, cứng gáy, lơ mơ, kích thích vật vã và bỏ ăn)
• Nhiễm trùng huyết
• Viêm phổi
• Viêm khớp
• Tổn thương não vĩnh viễn
• Tử vong.
Khoảng 1/4 số người sau khi khỏi bệnh màng não cầu bị những di chứng của bệnh. Hầu hết các vấn đề sẽ thuyên giảm theo thời gian. Một số những di chứng hay gặp là: đau đầu, điếc một hoặc hai bên tai, ù tai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi (song thị), đau và cứng khớp, suy giảm trí tuệ.
Biện pháp phòng bệnh viêm màng não mô cầu:
Để phòng căn bệnh nguy hiểm này, tránh lây lan trong cộng đồng, cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), buồn nôn và nôn, cổ cứng… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
>>Bé ở tuổi nào thì tiêm phòng được viêm não mô cầu?