Cùng với niềm vui sum họp gia đình vào dịp Tết, nỗi lo thường gặp của các phụ huynh có con nhỏ là: “Cho bé ăn gì để bé không bị rối loạn tiêu hóa, không bị béo phì, không bị suy dinh dưỡng…?” Sức khỏe của trẻ nhỏ luôn là mối quan tâm lớn nhất trong gia đình, vì vậy nỗi lo của các bạn vào mỗi dịp tết đến là điều không thể tránh khỏi. Dinh dưỡng cho bé như thế nào giúp bé luôn có sức khỏe tốt để cả
Tâm lý “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên mọi người thường ăn uống “thoải mái”. Các bữa ăn trong gia đình vào những ngày Tết thường nhiều đạm, thiếu rau xanh. Hầu như nhà nào cũng có một mâm ngũ quả để cúng nhưng trái cây để “ăn được” thì rất ít. Bánh chưng bánh tét được làm từ nếp, thịt, đậu xanh nên rất giàu chất dinh dưỡng và năng lượng rất cao, vì vậy nhiều bé béo phì không kiểm soát được cân nặng vì không thể từ chối trước những miếng bánh đầy thịt, mỡ quá hấp dẫn! Các loại thức ăn ngọt cung cấp năng lượng rất cao, chỉ cần 40g-50g mứt các loại, hoặc 14 viên kẹo trái cây, hoặc 1 lon nước ngọt sẽ cung cấp năng lượng bằng một chén cơm! Năng lượng của các thực phẩm này được cung cấp chủ yếu từ đường, nên nó là nguyên nhân làm cho trẻ béo phì dễ tăng cân và trẻ suy dinh dưỡng dễ biếng ăn, sụt cân.
Còn những thức ăn “vui miệng” tưởng chừng như “chẳng đáng là bao” như hạt dưa, hạt bí, chỉ cần “lai rai” khoảng 50-80g cũng cung cấp năng lượng bằng 1 chén cơm.
Chính những món ăn truyền thống ngày Tết và thói quen “ăn Tết” trong gia đình của người Việt Nam là nguyên nhân của việc “không ăn gì mà sao lại lên cân?”
Không bánh chưng, không kẹo mứt, không hạt dưa … thì sao có thể gọi là Tết! Vậy làm sao để các bé ăn nhưng vẫn khỏe?
1. Với bé béo phì
– Dự trữ nhiều rau và trái cây. Ưu tiên những loại rau trái cây có thể ăn sống như dưa leo, củ sắn, cà chua, cà rốt, các loại trái cây không cần gọt vỏ như quýt, táo.
– Cất giữ trái cây ở nơi dễ nhìn, dễ lấy.
– Cho bé ăn trái cây trước bữa ăn chính.
– Quy định một ngày uống một lon nước ngọt. Hoặc mua nước ngọt không đường cho trẻ uống. Đừng để quá nhiều hạt dưa, hạt bí, bánh kẹo… trên bàn.
– Ăn bánh chưng, bánh tét vào bữa chính tương đương với ăn cơm trong ngày thường.
– Nếu bé thức khuya: chỉ nên ăn trái cây, không nên ăn các loại có chất bột như cơm, cháo, mì, bánh các loại.
2. Với bé suy dinh dưỡng
Dự trữ những món ăn giàu chất dinh dưỡng, dễ ăn như bánh flan, yaourt, sữa các loại, bột ngũ cốc.
– Ăn những thức ăn ngày Tết trong bữa chính như ngày thường nhưng thêm một muỗng dầu ăn vào món ăn như miến gà, cháo gà, cháo cá. Hoặc cho bé ăn thêm sau bữa chính những món ăn vặt giàu năng lượng như yaourt, bánh flan, chuối.
– Nên ăn bánh kẹo, trái cây sau bữa ăn.
– Ăn một bữa chính trước khi ngủ nếu bé thức khuya.